Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe”… – Trước khi đặt chân lên Sa Pa lần đầu tiên cách đây gần 20 năm, tôi đã yêu “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long. Nhưng rồi hàng chục lần đến Sa Pa sau đó, chưa lần nào tôi cảm nhận trọn vẹn một Sa Pa bình yên như thế nữa…

Một Sa Pa mải miết… “thu”

Thú thật là, như rất nhiều người khác, nếu không muốn nói là hầu hết, tôi đến Sa Pa với mục đích nghỉ ngơi. Nhưng chỉ có bầu không khí mát lạnh, bảng lảng sương mù là dễ dàng quyến rũ người ta cuộn mình ngủ vùi trong những chiếc chăn ấm áp, còn thì cứ mỗi lần tôi gặp, thị trấn Sa Pa lại hối hả hơn, mải miết xới, đào, xây cất. Và thay đổi đến giật mình. Đến nỗi không thể nào “nghỉ ngơi” được nữa.

Theo báo cáo của tỉnh Lào Cai, lượng khách du lịch đến Sa Pa năm 2017 là trên 2,5 triệu, ước tính đến 2020 sẽ trên 4 triệu lượt và năm 2030 sẽ vượt 8 triệu lượt. Như tất cả các địa điểm du lịch nổi tiếng khác, du khách mang lại nguồn thu đáng kể, nhưng đồng thời gây ra áp lực lớn, làm biến dạng đời sống kinh tế – xã hội của địa phương với nhiều hệ lụy.

Ở khắp thị trấn, những chiếc máy xúc, những xe bê tông hoạt động hối hả. Nhà cao tầng đua nhau mọc lên, chiếm chỗ của những thửa vườn. Cái “lòng chảo” cỏ xanh ngay giữa thị trấn – nơi những chàng trai người Mông chăn ngựa ngày nào – biến mất đã lâu. Chợ Sa Pa cũ với những bậc thang được “viền” bằng những xô hoa bất tử, những rổ nấm hương tươi, những quả đào mỏ quạ tươi rói… không còn ở đó nữa.

Ngay cả đường về bản, những Tả Phìn, Tả Van một thời là đường trekking lý tưởng, giờ đây cũng đang mịt mù bụi đá mở đường. Đường to rộng hơn, ô tô chạy vào được, nhưng vẫn đang lồi lõm gập ghềnh. Và các con đường dẫn vào các bản làng thì đều có thu phí từ 70.000 – 75.000 đồng/khách/lượt, không rõ là phí đường hay phí tham quan bản, vì tuyệt nhiên chẳng thấy có một sự hướng dẫn hay dịch vụ nào, ngoài con đường đang làm dang dở.

Do Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương, nên việc thành lập thị xã Sa Pa chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhưng rõ ràng, việc quản lý trung tâm du lịch với lượng khách du lịch tăng trung bình 23,4%/năm dường như đang quá sức đối với chính quyền thị trấn sở tại. Đặc biệt, theo các kiến trúc sư giàu kinh nghiệm, nếu ở Hội An, cộng đồng dân cư được tham vấn và đóng góp tích cực vào sự phát triển và bảo tồn di sản, thì ở Sa Pa, cộng đồng dân cư gần như chưa có cơ hội lên tiếng về quy hoạch, lại càng chưa được tham gia giám sát hiệu quả việc quản lý thực hiện quy hoạch.

Joy House – Nhà vui

“Mang theo” lời gợi ý của một bạn trẻ ham mê du lịch khám phá, lần này quay lại Sa Pa, chúng tôi tìm đến Giàng Tả Chải. Giàng A Tú, người Mông, năm nay 32 t.uổi, bế trên tay cậu con trai kháu khỉnh, hồ hởi bảo tôi: “Người Giáy làm homestay từ lâu rồi, nhưng người Mông thì ít. Ở bản này, em là người đầu tiên làm homestay từ hai năm trước. Giờ cũng có vài nhà làm rồi. Đa số khách đến nghỉ ở đây là khách “Tây”, ít khách Việt. Chính ra khách Tây lại dễ chiều hơn khách Việt đấy chị. Kể cả mùa lạnh, họ vẫn đến, sẵn sàng đeo ba lô đi bộ nhiều tiếng đồng hồ”.

Joy House nên thơ khi chiều buông

Nhà Tú ở Giàng Tả Chải đã nhiều đời, ông bà để lại đất cho bố anh, rồi bố mẹ lại chia đất cho mấy anh em trai Tú. Thửa đất Tú được chia nhìn ra những thửa ruộng bậc thang ôm sát chân rặng núi Hoàng Liên Sơn, may mắn có được tầm nhìn rất đẹp. Hơi bẽn lẽn, chàng trai cho biết, cậu bé mà anh đang bế trên tay sắp có em, một cậu con trai nữa, và là đứa con thứ 5 của vợ chồng anh. “Đất thì càng ngày càng ít, phải nghĩ cách có thêm thu nhập, kẻo đến đời thằng bé này thì chỉ có đất làm nhà ở chứ không có đủ đất làm ruộng nữa”.

Tú quyết định làm homestay từ cách đây vài năm, nhưng dịch vụ của anh chỉ thực sự đem lại thu nhập ổn định và niềm vui cho anh khi bắt tay cùng làm với Nguyễn Siêu Hạnh. “Tên Joy House (Nhà vui) này là Hạnh nghĩ ra đó. Ban đầu Hạnh đến nhà em ở, sau đó 2 anh em thấy quý mến nhau nên quyết định cùng nhau làm homestay ở nhà em. Giờ thì bọn em mở rộng thêm 2 ngôi nhà nữa”. – Anh bạn người Mông cười hiền.

Thu hoạch ngô cùng người dân địa phương

“Nhân vật” Nguyễn Siêu Hạnh tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh – Học viện UBI (Bỉ), có một bảng thành tích rất đáng nể: từng là sinh viên Việt Nam đầu tiên vinh dự nhận được g.iải t.hưởng World Summit Youth Award – g.iải t.hưởng T.uổi trẻ xuất sắc của thế giới – dành cho thanh niên có dự án công nghệ thông tin phục vụ mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc vào tháng 11/2011. Hạnh vẫn đang có công việc tốt trong một tập đoàn đa quốc gia, nhưng có thể làm việc từ xa, và anh dùng quỹ thời gian phóng khoáng của mình để lên rừng xuống biển theo đúng nghĩa của từ này.

Hạnh là người đã sáng lập tổ chức Journey of Youth chuyên thực hiện các dự án y tế và nước sạch, mang đến cho người dân nghèo những điều kiện cần thiết để vượt qua khó khăn, thiếu thốn; xây dựng những giải pháp ổn định lâu dài để cải thiện cuộc sống. Vì thế, dự án Joy House của Hạnh không phải chỉ để kinh doanh thuần túy, mà còn gửi gắm mong muốn xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gần gũi với thiên nhiên, góp phần gìn giữ, tôn vinh văn hóa bản địa, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương.

Nhưng tôi không biết nhiều về Hạnh cho đến khi đã trở về nhà. Lúc ở Joy House, tôi chỉ ngồi chậm rãi nhấp những ngụm trà nóng bên chiếc bàn gỗ đơn sơ, ngắm đồng xanh trước mặt với những cụm mây trắng lững lờ. Xa xa, trên đỉnh núi thấp thoáng những ngôi nhà mái sậm, vương vấn dải khói lam mờ.

Tôi nghe Hạnh chia sẻ rằng, anh muốn giúp du khách tự do khám phá một Sa Pa chưa ầm ào máy xúc và nhấp nháy đèn xanh đỏ… Rằng anh và những người bạn thân thiết đã mở tuyến trekking mới, đưa khách đến thăm bản làng người Mông, người Dao, sử dụng hướng dẫn viên địa phương. Du khách sẽ được nếm thử những món ăn đặc sắc do chính người phụ nữ Mông thật thà như đếm chế biến trên những chảo gang nấu bằng bếp củi truyền thống.

Siêu Hạnh (thứ 2, trái sang) đang nướng thịt chuẩn bị bữa tối ở Joy House

Những bản làng mà khách đến thăm không phải là những đơn – vị – kinh – doanh – kiêm – nơi – ở, ví như những chùm “hoa giả”, cũng sặc sỡ đấy, nhưng không thực sự là nơi sinh sống ngàn đời của đồng bào địa phương với bề dày văn hóa lịch sử kỳ thú. Thách thức là ở chỗ phải thuyết phục được người dân tổ chức lại cuộc sống gọn gàng, đảm bảo vệ sinh hơn mà chỉ can thiệp ít nhất có thể vào tập tục, thói quen sinh hoạt của họ…

Nghe nói có một ngọn thác rất đẹp cách Joy House không xa, nhưng chiều đã hơi muộn. Tôi biếng nhác dành nó cho lần đi tới.

Hẹn mùa lúa chín nhé, Sa Pa “của tôi”.